Bạn có thường thấy những câu nói như thế này đâu đó:
- “Với đàn ông/phụ nữ, tôi chỉ tin 90% thôi…”
- “Có lẽ ta chỉ nên tin bạn bè 70% mà thôi, còn lại phải phòng 30%…”
- “Mình chỉ dành cho bạn trai mình 50% tình cảm, để khi có chuyện gì đó xảy ra, mình còn vững vàng mà đi tiếp”
Thực tình mà nói, tôi thầm ngưỡng mộ những người nói ra như thế. Bởi có vẻ như họ giỏi quá, tỉnh táo quá, có thể đong đo đếm được cảm xúc/ tình yêu/niềm tin của mình để biết được nó là bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu kí-lô-gờ-ram, bao nhiêu con số.
Từ cá nhân mình, tôi cho rằng chúng ta xây dựng những mối quan hệ thân thiết dựa trên cảm xúc. Từ cảm xúc mới tạo ra sự gắn bó và kết nối hay có nhu cầu mong/muốn xây dựng một mối quan hệ vững bền và dài lâu. Tình bạn hay tình yêu, tình vợ chồng theo đó đều là những cấp độ quan hệ mật thiết, chứ không còn là sơ giao nữa.
Liệu, có chiếc cân nào hay thước đo nào có thể đo được tình cảm bạn dành cho ai đó chính xác là bao nhiêu con số? Liệu rằng cái mà bạn đang nghĩ là 100% tình cảm đó, thì có đủ thực sự 100% không? hay mới chỉ là lớp mặt hời hợt chưa bao giờ được đào sâu?
Một ý niệm khác nữa là niềm tin. Niềm tin là hướng suy nghĩ, tình cảm được phó thác vào một mối quan hệ được xây dựng và vun đắp dài lâu, trải qua thời gian, đi qua nhiều sự trải nghiệm. Nếu bạn chưa từng có thời gian gắn bó với mối quan hệ đó, vậy thì có chăng niềm tin tồn tại? Bản chất của niềm tin thực ra chính là cảm giác được an toàn trong một mối quan hệ. Bạn tin ba mẹ mình, anh chị em trong gia đình, người thân của mình, bởi vì bạn luôn được yên ổn trong vòng tay của họ, tiềm thức nói cho bạn biết rằng bạn không bao giờ bị họ làm hại hoặc tổn thương.
Nếu bạn thấy an toàn, thì bạn tin và khi thấy khả năng bị tổn thương, thì lòng tin đó biến mất
Khi ai đó nói rằng họ chỉ tin có 50%, còn lại 50% để phòng bị. Vậy thì điều chắc chắn rằng 50% tin tưởng kia không hề tồn tại mảy may. Mà chỉ là họ đang chờ đợi một trong hai kết quả:
- Đối tượng làm hài lòng, phù hợp với những kì vọng và chờ đợi của họ
- Đối tượng sẽ làm họ thất vọng, hoặc làm họ cảm thấy bị tổn thương
Cả hai trường hợp đều không nói lên được tình cảm mà họ dành cho đối tượng, chỉ có ý muốn “nhận” được kết quả thế nào mà thôi.
Khi ai đó nói rằng họ yêu một người 70%, còn lại 30% để dành chẳng may có sự thay đổi. Thực chất ra, hoặc là họ chưa biết đến tình yêu thực sự là gì. Bởi khi bạn rơi vào tình yêu, bạn chẳng còn biết đâu là bảy nổi hay ba chìm hay 1, 2, 3, 4, 5 gì nữa. Mà khi đó bạn chỉ yêu và yêu mà thôi. Hoặc là, bạn đang chống chế để khỏi phải thừa nhận với mọi người xung quanh rằng: “Người tôi yêu rất rất rất quan trọng với tôi, cảm xúc của tôi lệ thuộc vào người đó.”
Tóm lại một điều là dù với ai khi nói ra những câu: 50%, 70%, 90% như thế, thì đều đồng nghĩa với việc họ đang bị ảo tưởng. Bạn tự dối mình rằng bạn đang ở thế chủ động, đang kiểm soát được tâm tư tình cảm của mình trong một mối quan hệ nào đó. Thực chất cho thấy khi phân tích ra, thì bạn đang bị động và có vấn đề trong tình cảm. Bạn không dám yêu, không dám tin là bởi rằng bạn không đủ mạnh mẽ để đón nhận bất cứ sự tổn thương nào có thể xảy đến bởi tình yêu, bởi niềm tin. Hoặc giả dụ bạn từng có vấn đề về tình cảm trong quá khứ, từng bị tổn thương, từng sợ hãi trước sự hỗn loạn khi rơi vào tình yêu với một ai đó và rồi chẳng còn dám yêu thực sự, sống thực sự nữa.
(Theo tamlyconnguoi.com).
(Theo tamlyconnguoi.com).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét